Tham dự Hội nghị tuyên truyền, tập huấn có đại diện lãnh đạo Vụ Khai thác thủy sản, Trung tâm Thông tin thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Ngoại vụ, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra chuyên ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cùng hơn 100 ngư dân đại diện cho các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tham gia lớp tập huấn.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản và ông Nguyễn Như Đào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Trung tá Nguyễn Cảnh Dương, Trưởng Ban tuyên huấn – Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh Khánh Hòa là một trong những tỉnh có số lượng tàu cá hàng đầu của cả nước, đặc biệt, là 1 trong 3 tỉnh có đội tàu nghề khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất cả nước, thường xuyên khai thác ở vùng xa bờ bên cạnh để nâng cao đời sống thu nhập của của ngư dân còn góp phần vào giữ gìn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Ý thức của ngư dân tỉnh Khánh Hòa về việc thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, với đội tàu khai thác thủy sản lớn, hoạt động vùng biển xa bờ nếu không kiểm soát chặt chẽ và nhận thức về việc chấp hành quy định trong khai thác thủy sản một số bộ phận ngư dân hạn chế sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác chống khai thác IUU. Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho ngư dân về các quy định trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Cùng với đó đã kịp thời tuần tra phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.
|
Trung tá Nguyễn Cảnh Dương cũng đã cung cấp thông tin cũng như kiến thức về tình hình biển Đông và các vùng biển của Việt Nam. Các quan điểm, chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó đã cung cấp những quy ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết liên quan đến ranh giới Biển và Hải đảo và chế độ pháp lý của các vùng biển ngư dân được phép khai thác; nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn khai thác IUU trong thời gian tới giúp ngư dân nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong công tác chống khai thác IUU và trách nhiệm trong giữ gìn bảo vệ lãnh thổ tổ quốc.
Tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Tuấn đã cảnh báo hệ lụy của việc khai thác thủy sản bất hợp pháp sẽ ảnh hướng rất lớn đối với hình ảnh, uy tín của quốc gia trên trường quốc tế. Từ đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mà sản phẩm xuất khẩu chính là sản phẩm khai thác từ ngư dân và điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập và sinh kế của ngư dân chúng ta. Đặc biệt, việc khai thác thủy sản bất hợp pháp không những ảnh hưởng đến sinh kế bền vững của thế hệ hiện tại mà còn ảnh hưởng đến thế hệ tương lai khi suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi. Nguy hiểm hơn là việc ngư dân khai thác vùng biển của các nước khác bị vướng vào lao lý, các tài sản bị thu giữ thậm chí bị bắn cháy. Phía Ủy ban Châu Âu (EC) khẳng định nếu còn tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển của nước ngoài thì sẽ không gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” thậm chí còn nâng cảnh báo “Thẻ đỏ”, Ông Tuấn nhấn mạnh.
|
Ông Tuấn cũng đã phổ biến các quy định Luật pháp và các quy định xử phạt mới nhất của Việt Nam cũng như của các nước đối với các hành vi vi phạm khai thác hải sản trái phép; Các lưu ý khi khai thác hải sản ở vùng biển xa, khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam với các nước.
Tại buổi Hội nghị tuyên truyền, tập huấn các chuyên gia, tư vấn viên đã truyển tải cũng như cung cấp những nội dung quan trọng về Biển, Hải đảo và các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU như: Thông tin về tình hình biển Đông và các vùng biển của Việt Nam; Quan điểm, chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh hiện nay; ranh giới và chế độ pháp lý của các vùng biển ngư dân được phép khai thác; nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn khai thác IUU trong thời gian tới; Quy định xử phạt của các nước đối với tàu cá và ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển khai thác hải sản trái phép; Các lưu ý khi khai thác hải sản ở vùng biển xa, khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam với các nước; Quy định trong đăng ký, đăng kiểm tàu cá, công tác vận hành thiết bị giám sát hành trình cũng như các tính năng quan trọng của thiết bị giám sát hành trình trong các tình huống gặp tai nạn trên biển…Ngoài ra, cơ quan chức năng còn hướng dẫn cho ngư dân một số điều cần biết khi bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ ở ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; Thông tin đến ngư dân về: số điện thoại, tần số liên hệ khi gặp tai nạn, sự cố nghề cá trên biển; đường dân nóng giữa Việt Nam và các nước trong bảo hộ công dân khi xin tránh trú khẩn cấp ở vùng biển nước ngoài, khi bị nước ngoài bắt giữ.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được giới thiệu về Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử - eCDT và các hiệu quả lợi ích của Hệ thống mang lại cho người dân trong quá trình ghi nhật ký khai thác trên nền tảng điện tử.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm MCD chia sẻ và thấu hiểu những khó khăn đối với ngư dân gặp phải trong khai thác thủy sản. Là một tổ chức phi chính phủ có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản (bảo tồn biển và phát triển bền vững vùng ven biển), Trung tâm (MCD) đã tích cực cùng các đối tác tìm tòi giải pháp, huy động nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo và hợp tác trong xây dựng và thực hiện một số thực hành tốt về đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên, thí điểm các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu cấp cơ sở, hỗ trợ phát triển sinh kế dựa vào hệ sinh thái, phần nào đáp ứng nhu cầu của người dân, nhận được sự ủng hộ và phối hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và các nhà tài trợ.
Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ phát triển Hệ Thống dữ liệu giám sát hành trình tàu cá (VMS)” do Global Fishing Watch tài trợ (2020-2021), thời gian qua, Trung tâm MCD đã hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương về giảm thiểu rủi ro IUU qua phân tích dữ liệu giám sát hành trình tàu cá (VMS) và ghi chép nhật ký khai thác thủy sản điện tử, hướng tới thủy sản bền vững tại Việt Nam. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng đã được MCD phối hợp triển khai là liên quan đến Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử - eCDT. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá, xây dựng lộ trình cập nhật và hoàn thiện hệ thống eCDT quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ eCDT trong truy xuất nguồn gốc thủy sản nhằm định hướng lâu dài trong công tác quản lý nghề cá hiện đại, minh bạch, phát triển bền vững, nâng cao đời sống ngư dân. Đây cũng là xu thế chung của thế giới trong truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm lĩnh thủy sản trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn đã giúp cho các cán bộ và cơ quan quản lý kỹ thuật cấp quốc gia và địa phương, ngư dân và đại diện các bên liên quan bao gồm các khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội (Vinatuna, VASEP, Hội Nghề cá) kịp thời nắm bắt được những quy định mới, qua đó góp phần sớm tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” và phát triển nghề cá tỉnh Khánh Hòa một cách bền vững có hiệu quả.
Thông qua Hội nghị tuyên truyền, tập huấn đã góp phần giúp ngư dân hiểu rõ hơn về các kiến thức về biển và hải đảo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU và phát hiện, ngăn chặn, tố giác hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực khai thác thủy sản để góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” và đưa nghề cá phát triển bền vững.
Văn Thọ